Trong khuôn khổ sự kiện Computex 2024 diễn ra tại Đài Loan, Nvidia đã công bố G-Assist – trợ lý AI cho game thủ với khả năng chơi game “hộ”, đưa ra hướng dẫn và tối ưu hóa phần cứng theo thời gian thực.
Ngành công nghệ luôn thay đổi mỗi ngày và phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, nhờ đó góp phần biến những thứ cách đây 5-10 năm chúng ta tưởng rằng không thể thành có thể. Câu chuyện mới đây của Nvidia là một trong những minh chứng mạnh mẽ nhất cho điều này khi hãng công nghệ này vừa biến một trò đùa cách đây vài năm thành hiện thực.
Trò đùa Cá tháng Tư của Nvidia cách đây 7 năm
Ngày 1/4/2017, Nvidia đăng tải video giới thiệu chiếc USB đặc biệt mang tên GeForce GTX G-Assist, tích hợp hàng loạt công nghệ thông minh như GhostPlay, BossBoost,… Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, chiếc USB được quảng cáo có thể thay người dùng chơi game nếu họ “bận mở cửa để nhận bánh pizza”, hay đơn giản hơn là giúp người chơi vượt qua những màn game khó. Tuy nhiên, thời điểm đó ai cũng hiểu rằng đây đơn thuần chỉ là một trò đùa vui vẻ nhân dịp Cá tháng Tư.
Tuy nhiên, trước thềm triển lãm công nghệ Computex 2024, tài khoản Nvidia trên mạng xã hội X đã đăng dòng thông điệp “Tương lai không bao giờ là quá xa…”, đồng thời chia sẻ lại trò đùa của hãng cách đây 7 năm.
Không lâu sau đó, Nvidia đã biến G-Assist thành hiện thực khi CEO Jensen Huang giới thiệu bản demo G-Assist hoàn chỉnh, là một phần của trợ lý ảo GeFore AI mạnh mẽ mà Nvidia sẽ cung cấp cho các nhà phát triển game và chủ sở hữu GPU RTX trong thời gian tới.
Nvidia G-Assist có thể làm những gì, cách hoạt động ra sao?
Dù mới chỉ là phiên bản thử nghiệm, Project G-Assist đã cho thấy cách trợ lý AI có thể hướng dẫn người dùng chơi game trên PC và hay thậm chí tùy chỉnh cài đặt hệ thống để tối ưu hiệu suất thiết bị. Với G-Assist, AI có thể truy cập câu lệnh khi người dùng chơi game, nội dung hiển thị trên màn hình và cả dữ liệu trò chơi. Từ đó, người chơi có thể nói hoặc nhập văn bản để đặt câu hỏi về tựa game mà không cần tìm kiếm trên Internet.
G-Assist đưa ra lời khuyên điều chỉnh đồ họa cho Cyberpunk 2077
Khi demo với tựa game ARK: Survival Ascended, Nvidia cho thấy G-Assist có thể trả lời các câu hỏi bằng giọng nói như “vũ khí đầu game tiếp theo là gì và tôi tìm nguyên liệu chế tạo cho nó ở đâu?”. Trợ lý AI đề xuất một cây giáo và cung cấp thông tin chi tiết liên quan đến cách chế tạo vũ khí. Ngoài ra, G-Assist còn liệt kê mức độ sát thương cây giáo có thể gây ra và chỉ ra điểm yếu của nó…
G-Assist thậm chí có thể hiểu những gì đang diễn ra trên màn hình bằng cách sử dụng mô hình thị giác máy tính, vì vậy nó có thể tùy chỉnh dựa trên số điểm kỹ năng bạn có trong game và hướng dẫn bạn vượt qua màn chơi. Tháng trước, Microsoft cũng đã trình diễn một bản demo tương tự về cách trợ lý AI Copilot của họ có thể hướng dẫn người chơi trong tựa game Minecraft.
Đặc biệt hơn, trợ lý AI này còn có thể tối ưu hóa và điều chỉnh cài đặt phần cứng tùy theo từng game bằng cách tạo biểu đồ hiển thị độ trễ PC và số khung hình trên giây (fps) trong 60 giây vừa qua. Nó có thể quét hệ thống của bạn và nhận ra bạn đang chơi game ở 60Hz, trong khi màn hình hỗ trợ 240Hz. Bạn cũng có thể yêu cầu G-Assist đề xuất cách tăng hiệu suất trong trò chơi, đạt mục tiêu 60fps hay thậm chí ép xung GPU.
G-Assist nhận ra bạn đang chơi game ở 60Hz thay vì 240Hz
“Chúng tôi đang hình dung đến viễn cảnh AI sẽ thay đổi cách chúng ta tương tác trong game và các ứng dụng yêu thích. Hãy tưởng tượng cuộc chơi sẽ thú vị đến nhường nào nếu bạn nhận được hỗ trợ tức thì, theo thời gian thực. Hay một huấn luyện viên AI giúp bạn phân tích lối chơi, dạy chiến lược để thăng hạng trong các trận chiến. G-Assist là cánh cửa để mọi người bước vào tương lai đó”, đại diện Nvidia tuyên bố.
Nvidia cho biết công ty dự tính sẽ cung cấp trợ lý G-Assist dưới dạng một ứng dụng, người chơi có thể tài về, cài đặt và mở lên trong quá trình chơi game.
Nvidia G-Assist sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành công nghiệp game?
Nếu những tính năng của G-Assist hoạt động hiệu quả như Nvidia quảng cáo, nó sẽ thay đổi hoàn toàn cách con người chơi game trong tương lai. Người dùng sẽ có thể “thăng cấp”, vượt qua những màn game khó nhanh chóng mà không cần mất thời gian tìm kiếm, trao đổi kinh nghiệm với người chơi khác trên Internet
CEO Nvidia Jensen Huang chia sẻ tại sự kiện
Bên cạnh số đông tỏ ra hào hứng, một số người lại cảm thấy cách tiếp cận này có thể làm mất đi sự tự nhiên khi trợ lý AI như đang giúp người chơi “hack game”. Nó cũng đặt ra thách thức với các nhà phát triển game, đặc biệt với các tựa game eSports khi người chơi luôn coi sự công bằng là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong các giải đấu chuyên nghiệp.
Ngoài ra, do G-Assist là công nghệ độc quyền của Nvidia, những người không sử dụng sản phẩm Nvidia chắc hẳn sẽ không muốn G-Assist trở thành “công cụ” phổ biến, vì nó sẽ làm mất đi sự cân bằng trong quá trình chơi game.
Tạm kết
Chứng kiến tiềm năng của Nvidia G-Assist, chắc chắn các đối thủ như AMD, Intel, Qualcomm,… sẽ không ngồi yên. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ thấy các công ty tung ra các sản phẩm tương tự để cạnh tranh với Nvidia G-Assist, hứa hẹn thay đổi mạnh mẽ ngành công nghiệp game và đưa AI tới nhiều lĩnh vực hơn trong cuộc sống.