FreeSync là công nghệ hỗ trợ hiển thị tân tiến được phát triển bởi nhà AMD, giúp mang lại trải nghiệm hình ảnh mượt mà, tự nhiên hơn. Vậy AMD Freesync là gì? Nó có gì khác với công nghệ G-Sync của nhà Nvidia? Cùng mình tìm hiểu ngay nhé!
I. Tổng quan về Freesync
1. Freesync là gì?
AMD FreeSync là công nghệ hỗ trợ hiển thị độc quyền được phát triển và công bố bởi AMD lần đầu tiên vào năm 2014 để cạnh tranh trực tiếp với công nghệ G-Sync của NVIDIA.
FreeSync ra đời nhằm mục đích giải quyết tình trạng xé hình, giật lag trong quá trình chơi game hay xem video trên máy tính nhờ khả năng đồng bộ hóa tốc độ làm mới với số khung hình mỗi giây (FPS) mà GPU tạo ra. Từ đó hình ảnh hiển thị sẽ trở nên nhất quán hơn, mang đến trải nghiệm liền mạch, mượt mà. Nếu bạn luôn cảm thấy khó chịu khi màn hình cứ liên tục bị giật lag khi chơi game thì AMD Freesync là lựa chọn hoàn hảo để khắc phục điều này.
2. Cách thức hoạt động của Freesync
AMD FreeSync hoạt động dựa trên cơ chế Adaptive Sync, một phần của tiêu chuẩn DisplayPort. Khi được kích hoạt, FreeSync sẽ cho phép màn hình điều chỉnh tỷ lệ làm mới khung hình (tần số quét) để khớp với số lượng khung hình được card đồ họa tạo ra mỗi giây (FPS). Điều này giúp loại bỏ hiện tượng xé hình khi tỷ lệ làm mới của màn hình cao hơn số khung hình mà card đồ họa có thể cung cấp, hoặc ngược lại cũng như giảm thiểu hiện tượng giật lag khi tỷ lệ làm mới của màn hình thấp hơn.
3. Các phiên bản công nghệ FreeSync
- FreeSync: Là phiên bản cơ bản nhất, mang lại khả năng đồng bộ hóa cơ bản giữa card đồ họa và màn hình, giảm thiểu tình trạng xé hình và giật lag.
- FreeSync Premium: Cung cấp các tính năng nâng cao hơn so với phiên bản cơ bản. Bao gồm hỗ trợ chơi game ở độ phân giải cao với tỷ lệ làm mới ít nhất 120 Hz ở độ phân giải 1080p. Ngoài ra, FreeSync Premium còn được trang bị tính năng chống giật hình Low Framerate Compensation (LFC).
- FreeSync Premium Pro (trước đây gọi là FreeSync 2 HDR): Là phiên bản cao cấp nhất của dòng FreeSync. FreeSync Premium Pro không chỉ bao gồm tất cả tính năng của FreeSync Premium mà còn hỗ trợ nâng cao chất lượng hình ảnh thông qua HDR (High Dynamic Range), đảm bảo màu sắc và độ sáng được hiển thị một cách chính xác nhất.
II. Ưu điểm và hạn chế của Freesync
1. Ưu điểm của công nghệ Freesync
- Trải nghiệm chơi game mượt mà: Điểm đặc biệt nhất của công nghệ Freesync chính là việc cải thiện đáng kể trải nghiệm chơi game của người dùng bằng cách loại bỏ tình trạng xé hình và giật lag, đồng thời giảm độ trễ đầu vào.
- Dễ tiếp cận: Freesync hỗ trợ bởi đa dạng các mẫu màn hình và card đồ họa AMD trong khoảng giá từ bình dân cho đến cao cấp, giúp công nghệ này trở nên dễ tiếp cận hơn đối với người dùng.
- Không phát sinh thêm chi phí: Khác với các công nghệ hiển thị khác, FreeSync không yêu cầu phí bản quyền, do đó tính năng này sẽ không làm đội giá màn hình.
2. Hạn chế
- Khả năng tương thích hạn chế: Freesync chỉ hoạt động được với các dòng card đồ họa AMD
- Thông số không ổn định: Không phải tất cả màn hình FreeSync đều sẽ có các tính năng, thông số giống nhau. một số có phạm vi tỷ lệ làm mới hạn chế, ít hơn với các màn FreeSync khác hoặc không hỗ trợ tính năng LFC.
III. AMD Freesync mang lại gì cho anh em Gamer?
AMD FreeSync cung cấp một trải nghiệm chơi game mượt mà, không gián đoạn. Đặc biệt đối với các tựa game đòi hỏi khả năng xử lý đồ họa cao và phản hồi nhanh. Bằng cách giảm thiểu tình trạng xé hình, giật lag, FreeSync sẽ giúp các game thủ dễ dàng phản ứng hơn trong các trận đấu cũng như tận hưởng trải nghiệm hình ảnh tuyệt vời.
IV. So sánh FreeSync và G-Sync
1. Giống nhau
Cả FreeSync và G-Sync đều mang mục đích nâng cao trải nghiệm người dùng, chơi game mượt mà hơn bằng cách đồng bộ hóa tần số quét màn hình và thông số FPS. Cả hai công nghệ đều sẽ giúp loại bỏ tình trạng xé hình và giật lag, mang lại trải nghiệm chơi game tốt hơn.
2. Khác nhau
- Công nghệ: G-Sync là công nghệ độc quyền của Nvidia, yêu cầu màn hình phải được tích hợp module G-Sync chuyên dụng. Trong khi FreeSync sử dụng chuẩn mở Adaptive Sync từ VESA.
- Chi phí: Màn hình G-Sync thường có giá cao hơn bởi Nvidia có thu chi phí bản quyền và phần cứng độc quyền, trong khi màn hình FreeSync sẽ miễn phí hoặc thu phí rất ít.
- Tương thích card đồ họa: G–Sync chỉ tương thích với card đồ họa của NVIDIA, trong khi FreeSync chủ yếu được thiết kế cho card đồ họa AMD. Tuy nhiên, máy tính được trang bị một số mẫu Card đồ họa Nvidia vẫn có thể sử dụng G–Sync trên màn hình FreeSync.
- Kết nối: G-Sync chỉ có thể kết nối qua cổng DisplayPort còn FreeSync có thể kết nối trên cả DisplayPort và HDMI.
V. Cách bật Freesync
1. Yêu cầu
Để bật AMD FreeSync, bạn cần chuẩn bị:
- Màn hình hỗ trợ FreeSync
Bạn có thể click vào link để kiểm tra danh sách các mẫu màn hình Freesync được cập nhật liên tục bởi AMD.
- Card đồ họa AMD tương thích
Các GPU AMD tương thích bao gồm tất cả các card đồ họa AMD Radeon bắt đầu từ dòng Radeon HD 7000 Series được phát hành vào năm 2012 trở lên.
- Đảm bảo rằng bạn đang sử dụng cáp DisplayPort hoặc HDMI tương thích để kết nối màn hình với card đồ họa, vì đây là điều kiện tiên quyết để FreeSync hoạt động đúng cách.
2. Hướng dẫn bật Freesync
Bước 1: Click chuột phải vào màn hình Desktop > Mở AMD Radeon Software trên PC hay laptop của bạn.
Bước 2: Click vào icon cài đặt > Chọn mục “Display” > Chọn màn hình của bạn
Bước 3: Chuyển mục FreeSync thành Enable