Khi build PC, bạn cần chú ý đến các thông số RAM nào?

Chọn bộ nhớ RAM phù hợp cho máy tính của bạn không đơn giản như bạn nghĩ. Việc chọn thông số RAM tối ưu sẽ giúp cho bạn tiết kiệm được chi phí build PC cũng như tận hưởng hết sức mạnh của hệ thống.

Tất cả linh kiện máy tính của bạn đều quan trọng, phức tạp và có nhiều thông số kỹ thuật hơn bạn tưởng. Trong số đó, vai trò của bộ nhớ RAM rất cần thiết để máy tính có thể hoạt động tốt. Nhìn chung, mọi người chỉ đang nghĩ rằng “càng nhiều dung lượng RAM càng tốt” nhưng đó không phải là thông số RAM duy nhất bạn cần quan tâm khi build PC. Ngoài ra, nhận định đó cũng không phải lúc nào cũng chính xác. Vậy bạn sẽ phải quan tâm thông số RAM nào để tìm được bộ nhớ phù hợp cho PC của mình?

Yếu tố hình thức

Thông số RAM - Ảnh 01

RAM trên máy tính để bàn sẽ khác với RAM trên máy tính xách tay. RAM được kết nối với bo mạch chủ thông qua các mô-đun được gọi là DIMM (Dual Inline Memory Module – Mô-đun nội tuyến kép). Có một số loại DIMM khác nhau trên thị trường như:

  • UDIMM: Loại mô-đun RAM phổ biến nhất trên thị trường PC với chữ U là viết tắt của Unbuffered hoặc Unregistered. Nếu RAM được liệt kê là chỉ là “DIMM” thì phần lớn có khả năng là UDIMM.
  • SO-DIMM: Loại RAM phổ biến thứ hai. Nó là loại bộ nhớ để sử dụng cho máy tính xách tay. SO có nghĩa là “small outline” với ý nghĩa rằng đó là DIMM nhưng mô-đun nhỏ hơn.
  • MicroDIMM: Thuật ngữ để chỉ các mô-đun RAM nhỏ hơn SO-DIMM. Những loại mô-đun RAM này ít phổ biến hơn nhiều so với hai loại còn lại nhưng một số loại máy tính xách tay hoặc mini PC đặc biệt có thể sử dụng chúng.

DDR

Thông số RAM - Ảnh 02

RAM hiện đại đi kèm với các mã định danh DDR và một con số cụ thể phía sau. Trong RAM, DDR là viết tắt của “Double Data Rate”. Các con số được thêm vào phía sau DDR (như DDR3, DDR4) cho biết tiêu chuẩn bộ nhớ mà RAM đang sử dụng. Trước đây, RAM máy tính thường được gọi chung là DRAM (Dynamic Random Access Memory). Sau đó, họ đã cải tiến để DRAM có thể đồng bộ hóa với bus của hệ thống, được gọi là SDRAM. Cứ như vậy, DDR được phát triển để tăng gấp đôi lượng băng thông dữ liệu có sẵn rồi từ đó ra đời các tiêu chuẩn bộ nhớ DDR2, sau đó là DDR3 và DDR4 phổ biến nhất hiện nay. Tuy vậy, chuẩn bộ nhớ mới nhất cho RAM hiện là DDR5.

Dù thế nào, bo mạch chủ và CPU của bạn sẽ là những yếu tố quyết định chính đến loại RAM DDR cho PC của bạn. Vì vậy, bạn sẽ phải biết các thông số kỹ thuật đó trước khi chọn RAM.

Dung lượng

Thông số RAM - Ảnh 03

Đây là thông số mà nhiều người chắc hẳn đã rất quen thuộc khi nói về RAM. Dung lượng RAM là thông số kỹ thuật chính mà mọi người tìm kiếm khi mua. Nhìn chung, máy tính có 8GB RAM sẽ hoạt động tốt hơn 4GB RAM. Cho dù bạn cài đặt phần mềm hay trò chơi nào đi nữa, các nhà phát triển đều đưa ra yêu cầu dung lượng RAM tối thiểu.

Tuy nhiên, bạn không nên có suy nghĩ là “càng nhiều RAM càng tốt”. Bất kỳ hệ thống hoặc hệ điều hành nào cũng có giới hạn sử dụng bộ nhớ tối đa. Ví dụ, hệ điều hành Windows 32-bit sẽ chỉ nhận tối đa 4GB RAM hay CPU hiện đại bị giới hạn chỉ hỗ trợ từ 32GB đến 256GB RAM. Vì vậy, việc bổ sung quá nhiều RAM cho một hệ thống là không cần thiết. Bạn sẽ cần tham khảo thông số kỹ thuật CPU và bo mạch chủ của mình để xác định dung lượng RAM cao nhất mà hệ thống có thể xử lý.

Tốc độ

Thông số RAM - Ảnh 04

Đây là một thông số RAM hơi phức tạp với nhiều người. Có hai yếu tố chính quyết định đến tốc độ của RAM là tần số và độ trễ CAS.

Với tần số của RAM, nó thường được gọi là tốc độ. Khi xem các loại RAM, bạn có thể thấy chúng sẽ được liệt kê là DDR4-3200 hoặc DDR4 2666 MHz. Các số có bốn chữ số đó là tần số của RAM. DDR4-3200 đề cập đến chu kỳ tần số 3200MHz, tương đương khoảng 3,2 tỷ chu kỳ đọc/ghi mỗi giây. Vì vậy, tần số cao hơn sẽ tốt hơn, mặc dù bạn vẫn phải lưu ý rằng một số CPU và bo mạch chủ có thể chỉ hỗ trợ tối đa mức tần số RAM cụ thể.

Bên cạnh tần số, độ trễ CAS (Column Access Strobe) cũng quyết định đến tốc độ của RAM. Đây là thông số đại diện cho độ trễ giữa các lần RAM nhận một lệnh từ CPU và thực thi lệnh đó. Độ trễ CAS thường được liệt kê dưới dạng một chuỗi số, chẳng hạn như 18-22-22-42. Những con số thấp hơn là tốt hơn.

Kênh

Thông số RAM - Ảnh 05

Một thông số RAM khác cũng khá quan trọng là kênh. Bạn hãy coi các kênh bộ nhớ như những con đường giữa CPU và RAM. Với một con đường, quá nhiều phương tiện cùng đi một lúc, có thể gây tắc nghẽn. Tương tự với các kênh bộ nhớ trên bo mạch chủ, CPU siêu nhanh và RAM công suất lớn trên một kênh duy nhất có thể dẫn đến hiện tượng “nghẽn cổ chai”. Hiện nay, hầu hết các CPU có thể hỗ trợ hai hoặc bốn kênh bộ nhớ và bo mạch chủ tương thích sẽ đáp ứng bằng việc tích hợp số lượng khe cắm RAM phù hợp. Để sử dụng nhiều kênh, bạn sẽ cần nhiều hơn một thanh RAM. Trong trường hợp bạn có một CPU mạnh mẽ và RAM siêu nhanh, tốt hơn hết là bạn nên sử dụng bộ RAM Dual Channel 16GB gồm hai thanh RAM 8GB có thông số giống nhau, thay vì chỉ sử dụng một thanh RAM 16GB. Tuy nhiên, nhược điểm ở đây là nếu bạn chỉ có hai khe cắm RAM thì việc nâng cấp dung lượng RAM sẽ yêu cầu bạn phải thay thế toàn bộ RAM.

Các thông số RAM khác

Thông số RAM - Ảnh 06

Có một số thông số RAM khác có thể hữu ích đối với bạn khi build PC như:

  • ECC: Đây là một tính năng cho phép mô-đun RAM kiểm tra và đảm bảo dữ liệu mà nó đang xử lý là chính xác và không có bất kỳ lỗi nào. ECC là một giải pháp đáng kinh ngạc để giảm lỗi dữ liệu/bộ nhớ nhưng nó cũng làm giảm hiệu suất của RAM. Hầu hết RAM máy tính thông thường không bao gồm ECC.
  • Điện áp: Đối với hầu hết các PC hiện đại, bạn có thể không cần phải lo lắng về điện áp quá nhiều. Đó là một thông số kỹ thuật để đánh giá lượng điện năng mà RAM cần để hoạt động. Tuy nhiên, nó lại là một thông số kỹ thuật quan trọng đối với những người ép xung và những người đang xây dựng các hệ thống rất đặc biệt có yêu cầu về điện năng cao.
  • Bộ tản nhiệt: Giống như bất kỳ thành phần nào của PC, RAM cũng cần được làm mát. Đối với hầu hết các hệ thống, việc làm mát thùng máy cơ bản là đủ cho các mô-đun RAM. Đối với RAM hiệu suất cao, bạn thường thấy nó có thêm một bộ tản nhiệt trên mô-đun RAM để cải thiện khả năng làm mát.
  • Chiều cao: Đây là thông số vật lý của thanh RAM. Về cơ bản, bạn sẽ không cần quan tâm đến chiều cao RAM khi build các dàn PC thông thường. Tuy nhiên, nếu bạn đang muốn build mini PC thì bạn có thể phải kiểm tra thông số chiều cao của RAM.

Kết luận

Tóm lại, việc chọn bộ RAM phù hợp cho PC của bạn sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các thông số như yếu tố hình thức, loại DDR và ​​dung lượng RAM (tính bằng GB). Ngoài ra, việc xem xét tần số, thời gian và kênh của bộ nhớ có thể giúp bạn có được hiệu suất RAM cao nhất trong khả năng tài chính của mình.

Sau khi cân nhắc các thông số RAM nói trên và build được cho mình một cỗ máy hoàn chỉnh, bạn hãy chia sẻ với FPT Shop nhé. Chúc bạn thành công.