Trong khi thế giới vẫn đang chập chững trong ngành công nghiệp 5G, lúc này Nhật Bản đã lặng lẽ bước tiếp vào kỷ nguyên mới với việc phát triển thiết bị 6G.
Bốn công ty viễn thông hàng đầu của Nhật Bản, bao gồm DOCOMO, NTT, NEC và Fujitsu, đã cùng nhau phát triển thiết bị được cho là thiết bị không dây nguyên mẫu 6G đầu tiên trên thế giới. Điều này không chỉ mở ra một hiệu suất đột phá mà còn mang đến nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nhật Bản phát triển được thiết bị 6G
Trong bối cảnh công nghệ thông tin viễn thông trên thế giới đang chuyển mình hướng tới kỷ nguyên 5G. Bốn công ty viễn thông hàng đầu của Nhật Bản gồm DOCOMO, NTT Corporation, NEC Corporation, và Fujitsu, đồng lòng hợp sức, thành lập một nhóm nghiên cứu chung từ năm 2021, hướng tới mục tiêu phát triển thiết bị cận terahertz, tiền đề cho sự ra đời của 6G.
Không chỉ là sự hợp tác chung của cả nhóm, việc phát triển thiết bị 6G tốc độ cao có thể truyền dữ liệu ở tốc độ 100 Gbps qua 100m được thực hiện dựa trên sự gắng sức của từng công ty thành viên. Mỗi công ty đều đảm nhận một vai trò cụ thể, tương ứng với chuyên môn và khả năng mà họ có, nhằm nâng cấp công nghệ cận terahertz.
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về DOCOMO – công ty viễn thông hàng đầu Nhật Bản. Họ chịu trách nhiệm phân tích cấu hình của hệ thống không dây, điều chỉnh và tinh chỉnh các thiết bị truyền không dây để đảm bảo khả năng truyền tải dữ liệu ở tốc độ tối đa 100 Gbps qua khoảng cách 100m.
NEC nắm bắt cơ hội này làm cơ sở để nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cho hệ thống không dây hoạt động ở tần số 100 GHz. Trọng tâm của họ là tạo ra một anten mảng pha chủ động (APAA) phức tạp với hơn 100 bộ phận, hóa giải mọi khó khăn trong việc kết nối và truyền tải tín hiệu.
Đối với NTT, nhiệm vụ của họ là phát triển các thiết bị không dây cao cấp, chủ yếu tập trung vào các thiết bị hoạt động trong dải tần 300 GHz. Họ đã nỗ lực để phát triển thiết bị không dây có thể truyền ở tốc độ 100 Gbps qua 100m tại tần số này.
Cuối cùng, Fujitsu đã sử dụng kỹ thuật bán dẫn tiên tiến của mình để tạo ra một lượng tín hiệu mạnh mẽ ở tần số 100 GHz và 300 GHz với hiệu suất cao. Điều này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cấp toàn bộ hệ thống.
Tốc độ vượt trội đến từ mạng 6G
Công nghệ không dây 6G đang ở giai đoạn đầu của cuộc hành trình phát triển, nhưng Nhật Bản đã chứng minh tiềm năng đáng kinh ngạc của nó qua việc phát triển nguyên mẫu 6G đầu tiên. Thực tế cho thấy rằng 6G sẽ trở thành nền tảng cho một loạt các dịch vụ và ứng dụng mới, kéo theo một làn sóng đổi mới toàn diện trong ngành công nghiệp viễn thông.
Làm một phép so sánh nho nhỏ, mạng không dây 6G đạt khả năng truyền dữ liệu với tốc độ 100 Gbps ở khoảng cách 100m, nhanh hơn đến 20 lần so với mạng 5G. Theo Statista, tốc độ truyền 6G này nhanh hơn tới 500 lần so với tốc độ 5G trên điện thoại thông minh tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, để đạt được tiềm năng này, công nghệ 6G sẽ cần khai thác các băng tần dưới terahertz từ 100 GHz đến 300 GHz, băng thông phong phú mà 5G không thể tiếp cận. Điều này đặt ra yêu cầu phát triển các thiết bị không dây hoàn toàn mới khác với hệ thống 5G hiện tại.
Theo GizmoChina, dù tốc độ đạt được từ nghiên cứu ấn tượng, chúng ta cũng nên hạn chế kỳ vọng nhiều. 6G hiện chỉ được thử nghiệm trên một thiết bị và chưa chắc đã làm mạng khả thi về mặt thương mại. Tuy nhiên, với dung lượng đạt được tương đương năm bộ phim HD có thể được phát trực tuyến không dây mỗi giây, từ đó cho thấy 6G có tiềm năng để mở ra vô số khả năng.
Triển vọng thị trường với thiết bị 6G
Trước hết, chúng ta cần phải tập trung vào hai yếu tố chính: Tiềm năng kỹ thuật và ứng dụng thực tế. Đầu tiên, ở phương diện kỹ thuật, thiết bị 6G chắc chắn có một số lợi thế đáng kể, 6G hứa hẹn tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn tới 20 lần so với 5G, tiềm năng của nó đối với ngành công nghiệp viễn thông và các doanh nghiệp của tương lai là một lợi thế lớn.
Tiếp theo, việc tận dụng ứng dụng thực tế của 6G là một yếu tố quan trọng khác. Với sự phát triển của AI, IoT và các thiết bị kết nối không dây tương tác cao như xe tự lái, nhu cầu đối với mạng lưới dữ liệu nhanh hơn, ổn định hơn và đáng tin cậy hơn tăng lên. 6G, với tất cả những lợi ích mà nó mang đến về cải thiện tốc độ dữ liệu, có thể cung cấp các giải pháp mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu này.
Tuy nhiên, cũng như các công nghệ mới, 6G cũng có những thách thức. Việc sử dụng băng tần cao hơn có thể dẫn đến những hạn chế, chẳng hạn như khoảng cách truyền dữ liệu có thể bị giới hạn, hoặc việc tốc độ thực tế thường thấp hơn nhiều so với tốc độ tối đa theo lý thuyết – điều này cũng có thể áp dụng cho 6G.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là việc thay đổi từ 5G sang 6G sẽ yêu cầu sự thay đổi cơ bản trong hạ tầng hiện có. Điều này sẽ yêu cầu đầu tư tài chính lớn, không chỉ từ công ty viễn thông mà còn từ chính phủ và cả doanh nghiệp khác.
6G có vẻ tốt nhưng không thiết thực lắm với smartphone
Bắt đầu bằng một cái nhìn cận cảnh, ở Việt Nam, đa số người dùng smartphone vẫn chỉ sử dụng mạng di động 4G để truy cập internet hàng ngày. Hiện tại, 4G đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng với tốc độ nhanh, ổn định và khả năng truy cập mạng rộng khắp. Mặc dù mạng 5G đã bắt đầu được triển khai, nhưng sự phủ sóng của nó vẫn hạn chế, chỉ tập trung ở một vài địa điểm nhất định.
Ấn tượng nhất có thể là tốc độ của mạng 5G có thể nhanh hơn tới 100 lần so với 4G. Nhưng trong thực tế sử dụng hàng ngày, hiệu quả thật sự của tốc độ này có được tận dụng tối đa hay không? Có lẽ không. Chúng ta đã có thể truy cập internet nhanh chóng, xem video chất lượng cao, tải tệp lớn và chơi game online mượt mà chỉ với mạng 4G. Với 6G, tất nhiên, trải nghiệm sẽ còn tốt hơn nữa.
Nhưng khi ta nhìn đến mạng 6G trong tương lai, câu hỏi đặt ra là: “Thực sự cần thiết không?” Đôi khi, có thể tốc độ truyền dữ liệu 6G nhanh hơn gấp 20 lần so với 5G, nhưng đối với người dùng bình thường, có khác biệt nhiều không khi xem video trực tuyến hay chơi game trên mạng 6G so với 5G? Câu trả lời rất có thể sẽ là không.
Hơn nữa, việc triển khai công nghệ mới như 6G đòi hỏi nhiều yếu tố, từ việc nâng cấp hạ tầng, phát triển thiết bị di động mới phù hợp cho đến việc nâng cao nhận thức và sẵn lòng của người dùng để chấp nhận và tiếp nhận công nghệ mới. Đồng thời, cũng không thể phủ nhận những rủi ro và thách thức về an ninh, quyền riêng tư mà mạng không dây thế hệ mới mang lại.
Tổng kết
Nhìn chung, dù 6G có sức hút lớn và tiềm năng to lớn tuy nhiên phù hợp hơn với các mảng AI, IoT và robot tự hành. Khi 6G thực sự trở thành hiện thực và tạo ra được sự khác biệt đáng kể trong trải nghiệm người dùng, thì lúc đó, có lẽ chúng ta nên bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc chuyển đổi, vì thế lúc này cũng đừng quá lo lắng trong việc smartphone của bạn sẽ tụt hậu so với thời đại nhé!