Microsoft bị Liên minh Châu Âu cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền

  • Liên minh Châu Âu (EU) đã gửi một Bản Tuyên bố Phản đối tới Microsoft, cáo buộc công ty vi phạm các quy định chống độc quyền bằng cách gộp chung Microsoft Teams và các công cụ khác.
  • Nếu bị kết tội, Microsoft sẽ phải nộp phạt lên tới 10% tổng doanh thu toàn cầu.
  • Đáp lại, Microsoft cho biết họ đã tách Teams và sẽ tiếp tục làm việc với EU để giải quyết các lo ngại còn lại.

Hôm thứ Ba (25/6), Microsoft đã bị Liên minh Châu Âu (EU) cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền do hành vi “lạm dụng” khi gộp chung Microsoft Teams với bộ sản phẩm Microsoft Office.

EU cho rằng việc tích hợp Teams vào bộ Office đã hạn chế sự cạnh tranh trên thị trường công cụ làm việc online, gây bất lợi cho người tiêu dùng cũng như các đối thủ khác. Microsoft hiện phủ nhận các cáo buộc này và khẳng định sẽ hợp tác đầy đủ với EU để làm rõ vấn đề.

Tuy nhiên, nếu bị kết tội thì Microsoft sẽ phải đối mặt với án phạt lên tới 10% tổng doanh thu toàn cầu hàng năm, một con số khổng lồ có thể gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Vấn đề ở đây là gì?

Việc Microsoft kết hợp chung Teams với bộ Office 365 và Microsoft 365 đang gây khó khăn không nhỏ cho các nhà cung cấp công cụ làm việc trực tuyến khác. Họ khó lòng cạnh tranh nổi khi Microsoft đã nắm trong tay một lượng lớn người dùng từ bộ ứng dụng văn phòng phổ biến nhất thế giới.

Không dừng lại ở đó, Microsoft còn bị cáo buộc là đã “ép buộc” người dùng sử dụng Teams khi đăng ký Office, thay vì để họ tự do lựa chọn. Thêm vào đó, Microsoft còn bị tố cáo đã cố tình tạo ra những rào cản kỹ thuật, khiến người dùng không thể dễ dàng kết nối tài khoản Office của họ với các công cụ của bên thứ ba.

Những hành động trên đã vi phạm Điều 102 của Hiệp ước về Chức năng của Liên minh Châu Âu, trong đó nghiêm cấm các công ty lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường. Một Bản Tuyên bố Phản đối chi tiết đã được gửi tới Microsoft, nêu rõ những vi phạm của họ. Nếu không có những thay đổi sớm, Microsoft có thể phải đối mặt với án phạt nặng từ EU, đồng thời đánh mất lòng tin của người dùng và đối tác.

Microsoft phản ứng thế nào về cáo buộc?

Cuộc điều tra này đã bắt đầu từ tháng 7 năm 2023, sau khi Slack một đối thủ cạnh tranh của Microsoft, đệ đơn khiếu nại. Kể từ đó, Microsoft đã thực hiện một số biện pháp để giải quyết những lo ngại của EU.

Chẳng hạn, vào tháng 4 năm nay, Microsoft đã tách riêng Teams khỏi bộ Office, trước là ở EU và sau đó trên toàn cầu. Tiếp theo đó, họ cũng đã thực hiện một số bước để tăng cường khả năng tương tác với các công cụ của bên thứ ba.

Sau khi nhận được Bản Tuyên bố Phản đối từ Ủy ban EU, Microsoft đã cảm ơn cơ quan này vì đã làm rõ thêm vấn đề và đảm bảo rằng họ sẽ thực hiện các bước để giải quyết mọi lo ngại.

Tuy nhiên, những bước này có thể không đủ để khắc phục thiệt hại. Trong một tuyên bố vào thứ Ba, cơ quan này cho biết rằng những bước này là “không đủ để giải quyết các lo ngại của họ và cần có thêm những thay đổi đối với hành vi của Microsoft để khôi phục cạnh tranh.”

Slack cũng đã phản hồi về việc Microsoft nhận được Bản Tuyên bố Phản đối. Một phát ngôn viên của công ty cho biết rằng bước đi này của Ủy ban EU là một chiến thắng cho khách hàng ở khắp mọi nơi và nó cũng chứng minh rằng những lo ngại của Slack về việc gộp sản phẩm của Microsoft ảnh hưởng đến cạnh tranh là hoàn toàn chính xác.

Slack cũng đánh giá cao Ủy ban EU vì đã tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và kêu gọi cơ quan này nhanh chóng thực hiện các bước hiệu quả và ràng buộc để khôi phục một thị trường công bằng, thân thiện với cạnh tranh ở EU.